Ngày 12 tháng Tám 1966, Hội nghị lần thứ 11 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 8 kết thúc ở Bắc Kinh. Phiên họp toàn thể này đã thông qua quyết định về cuộc Cách mạng văn hoá vô sản. Hôm nay, 45 năm sau, thập kỷ đầy biến động của Cách mạng văn hóa vẫn tiếp tục được đánh giá ở Trung Quốc và trên thế giới theo nhiều cách khác nhau.
Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc kêu gọi đánh vào những đảng viên và quan chức chính phủ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Lệnh đàn áp, thanh trừng được ban ra. Nhiều vị lãnh đạo Đảng ở cấp trung ương và địa phương bị cáo buộc đang thực hiện "chế độ độc tài của giai cấp tư sản."
Cách mạng Văn hóa đã khiến cho bộ máy hành chính Trung Quốc tê liệt. Một số cơ quan cách mạng mới được thành lập. Trên thực tế, khi đả phá nền văn hóa tư sản cũ, Hồng vệ binh được toàn quyền phá hoại, tra tấn và sỉ nhục. Đồng thời, các trường học đóng cửa khiến cho xã hội và kinh tế gián đoạn phát triển nhiều năm. Hàng trăm ngàn đảng viên bị thanh trừng, giới trí thức bị đàn áp.
Trong thời Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc cũng áp dụng chính sách đối ngoại bạo lực: Hồng vệ binh làm mưa làm gió trước Đại sứ quán Liên Xô. Căng thẳng trên biên giới với Liên Xô dẫn đến xung đột vũ trang. Liên Xô được tuyên bố là kẻ thù chính của Trung Quốc, là pháo đài của chủ nghĩa xét lại, trong khi đó Mao Trạch Đông là chân lý và sự phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng cuộc đấu tranh ý thức hệ không thể áp dụng để biện minh cho thiệt hại về người. Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, số nạn nhân trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa là khoảng 100 triệu người.
Trong khi đó, ở Trung Quốc ngày nay có những người đang nhìn nhận một cách tích cực về cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông và vây cánh của ông ta khởi xướng. Một số người nỗ lực lãng mạn hóa thời kỳ này. Hiện nay, cuộc thi "Giai điệu đỏ” lại phát những bài hát hiếu chiến của Hồng vệ binh, những cuốn “Sách đỏ” lại được tái bản. Các trang web trên Internet đăng tải toàn bộ bảo tàng áp phích cách mạng thời kỳ Cách mạng văn hóa.
Tại sao những điều này lại xảy ra? Sau tất cả mọi chuyện, dường như xã hội Trung Quốc có một sự đồng thuận ngầm rằng "cuộc Cách mạng văn hóa" là bi kịch sai lầm", là “thập kỷ đen". Năm 1981, sau khi bắt đầu chính sách "cải cách và cởi mở", ĐCSTQ đã chính thức công nhận rằng "Cách mạng văn hóa không phải và không thể là một cuộc cách mạng hoặc tiến bộ xã hội trong bất cứ ý nghĩa nào.” Ông Andrei Carneev, chuyên gia về lịch sử Trung Quốc, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi thuộc trường đại học tổng hợp Matxcova nhận xét:
“Có thời, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã đánh giá thập niên này là thảm họa lớn nhất. Thậm chí còn nói rằng tại thời điểm đó chế độ độc tài phát xít quân sự được thành lập tại Trung Quốc. Nhưng không đơn giản như vậy, bởi có những người nghĩ rằng thời kỳ Cách mạng Văn hóa đã có những yếu tố tích cực. Nếu chúng ta nói về lịch sử của Liên Xô, tôi nghĩ rằng không ai trong số chúng ta có thể uốn lưỡi mà nói rằng sự đàn áp của Stalin là điều tốt. Nhưng ở Trung Quốc có những người cho bộ máy hành chính bị đàn áp liên tục, và các quan chức bị đày ải về nông thân, bị sỉ nhục như thế là rất tốt. Điều đó được thể hiện bằng cuộc biểu tình nổi tiếng chống đặc quyền đặc lợi của các quan chức vào thập kỷ đầu tiên của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.”
Có một yếu tố khác có thể dẫn đến cách đánh giá tích cực, liên quan với bình diện tư tưởng của cuộc cách mạng văn hóa. Ông A. Karneev nói tiếp: “Thực tế Cách mạng Văn hóa đã đẩy ý thức hệ cộng sản đến mức vô lý. Theo nhiều nhà khoa học chính trị và sử học Trung Quốc, trái ngược với Liên Xô, Cách mạng văn hóa tạo ra khí hậu thuận lợi cho cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình có thể tiến hành cải cách thành công chính là bởi vì lãnh đạo và quần chúng đã trải qua sự hỗn loạn vô lý của đàn áp và thanh trừng nên sẵn sàng để chấp nhận các ý tưởng cải cách. Cho nên, cuộc Cách mạng Văn hóa là một loại "tiêm chủng" chống thực tiễn chủ nghĩa quân bình và sự chuyên quyền.”
Trong nhận thức hiện đại của người Trung Quốc, cuộc Cách mạng văn hóa là hình ảnh nghịch lý của một thời kỳ cách mạng lãng mạn. Đối với hàng triệu Hồng vệ binh, Cách mạng văn hóa là đợt nghỉ lễ kéo dài, nhưng rồi họ cảm thấy cay đắng khi trở lại trường đại học để theo kịp chương trình. Cách mạng Văn hóa khiến nhiều người nhớ đến thời mà tất cả mọi người đều như nhau, và chưa có sự phân tầng giàu nghèo khủng khiếp như ngày nay. Có thể, sự bất bình đẳng sâu sắc, sự tham nhũng, quan liêu và chuyên quyền của các quan chức trong xã hội hiện đại, những người có thể phá hủy ngôi nhà của bạn để xây đường cao tốc, đang khiến cho phe ủng hộ "Cách mạng văn hóa" được bổ sung thêm những thành viên mới. Nhiều người trong số họ thực sự không hiểu biết nhiều về thời kỳ ấy, đơn giản là họ sinh ra muộn hơn, nhưng con người thường có thói quen nhìn vào quá khứ để tìm ra giải pháp cho những vấn đề hiện tại. Cho dù không phải lúc nào các giải pháp đó cũng đúng đắn.