Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Trung Quốc trước thách thức do Mỹ đặt ra trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Washington dự định sẽ tăng cường hiện diện chính trị và quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong bài "Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ", được công bố trên tuần báo "Foreign Policy", ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nhấn mạnh điều này.


Theo bà Hillary Clinton, trong mười năm qua, Mỹ đã đầu tư nguồn lực to lớn cho các hoạt động quân sự ở Afghanistan và Iraq. Trong khi đó, không phải các nước ấy, mà chính là khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là trung tâm chính sách của Washington trong thập kỷ tới. Đây là sự chuyển hướng khá đột ngột. Rõ ràng, điều đó có nguyên nhân chính là Hoa Kỳ đã cạn các nguồn lực để giành chiến thắng quân sự và chính trị ở Afghanistan và Iraq. Vì vậy, Lầu Năm Góc sẽ từ bỏ khu vực đó với lý do rất chính đáng. Vậy thì sẽ đi đâu? Bài báo viết: Cần hiện đại hóa liên minh quân sự Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, tương ứng với những thay đổi trên thế giới. Thay đổi chủ yếu là gia tăng mạnh mẽ sự phát triển của Trung Quốc. Các nước trong danh sách đồng minh mà Ngoại trưởng Hoa Kỳ đưa ra gợi cho người ta lien tưởng đến một vòng cung kiềm chế Bắc Kinh. Chuyên gia Viện Viễn Đông, giáo sư Yakov Berger nhận xét:

“Mục đích của học thuyết này là nhằm đối phó với sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của nước này. Đây không chỉ nói về mục đích quân sự, mặc dù việc chuyển đổi quyền lực kinh tế sang quyền lực quân sự cũng có ý nghĩa. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ nói rằng họ cần củng cố vị thế ở châu Á, và Bắc Kinh luôn theo dõi vấn đề này. Để làm điều đó, Washington đang tìm cách tăng cường liên minh quân sự và phi quân sự với các đồng minh và với một số nước đang dè chừng trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Mỹ tìm cách để các quốc gia này chống lại Trung Quốc. Trước hết, Mỹ sử dụng cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở biển Đông và biển Bắc Trung Quốc. Sự cạnh tranh Mỹ-Trung đặc biệt trầm trọng hơn trước do thực tế là tốc độ tăng trưởng sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc đến nay đang vượt xa tiềm năng của Mỹ” - giáo sư Yacob Berger nói.

Một năm trước, Lầu Năm Góc đã thuyết phục được Quốc hội rằng sự gia tăng tham vọng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực đe dọa an ninh của Hoa Kỳ. Kết quả là Mỹ đã hiện đại hóa các cơ sở quân sự trên đảo Guam ở Thái Bình Dương. Mỹ trang bị máy bay chiến đấu mới tại các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, sắp tới trên bán đảo Triều Tiên cũng sẽ bố trí máy bay Mỹ thế hệ mới. Đồng thời, các đợt diễn tập quân sự của Mỹ và các nước này cũng thường xuyên gia tăng. Việc tiến hành tập trận trùng hợp với các đợt gia tăng căng thẳng trong quan hệ hai nước Triều Tiên và tranh chấp các đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển. Các cuộc tập trận này gây phản ứng tiêu cực từ phía Bắc Kinh. Kết quả là, Trung Quốc có lý do nhiều hơn để nhìn nhận sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực là một mối đe dọa lợi ích của họ. Do đó Trung Quốc đã lập đội máy bay chiến đấu tăng tốc thế hệ năm, tích cực hiện đại hóa tàu ngầm và bắt đầu một chương trình đầy tham vọng để chế tạo tàu sân bay riêng.

Tham vọng song phương của Mỹ và Trung Quốc là chơi theo luật của riêng mình đang biến thành cuộc chơi phi luật lệ. Dễ hiểu là các nhà chính trị quan ngại trước sự gia tăng căng thẳng và hậu quả là chi tiêu quân sự tăng lên. Về chỉ số này, hiện nay châu Á đang là khu vực dẫn đầu thế giới.

Hôm nay, Hillary Clinton hứa hẹn sẽ đầu tư chiến lược cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu những động thái này thách thức lợi ích của Trung Quốc, cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh sẽ có thêm những vòng xoáy mới.


Theo TNNN