Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

NHẤT THẾ GIỚI Ở VIỆT NAM

Nếu vào Google tìm cụm từ " nhất thế giới ở Việt Nam" trong nháy mắt bạn sẽ có gần 78 nghìn kết quả hiện ra.
Nào là :
Ngôi nhà điên ở VN kỳ lạ nhất thế giới
Vịnh biển Việt Nam đẹp nhất thế giới
Thăm dàn tên lửa tối tân nhất thế giới tại Việt Nam
Sữa tại Việt Nam: “Đắt nhất thế giới”
Tablet 'khủng' nhất thế giới xuất hiện ở Việt Nam
Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam: An toàn nhất thế giới -
BBC Vietnamese - Việt Nam - Người Việt 'lạc quan nhất thế giới'?
“Trọng tài Việt Nam giỏi nhất thế giới"
Khu rừng cổ nhất thế giới tại Việt Nam
Việt Nam 'chi bạo' nhất thế giới
Việt Nam tham nhũng nhất thế giới ? Nguyen Minh Triet - YouTube
Khám phá hang động lớn nhất thế giới tại Việt Nam...

Ngoài ra không cần tìm bạn cũng nghe, đọc và có thể suy ra rằng dân Việt Nam đang hạnh phúc nhất thế giới vì có 1 đảng CS 81 tuổi , sáng suốt, quang vinh nhất thế giới lãnh đạo "đưa nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác"và vì đang sống trong xã hội XHCN ưu việt "nghìn lần dân chủ hơn dân chủ tư sản"...

Và nay, chúng ta lại có thêm một kỷ lục thế giới nữa :Việt Nam chỉ mất 15-20 năm để chuyển từ cơ cấu dân số vàng sang cơ cấu dân số già – một tốc độ nhanh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc

Thời sự   -Chuyện hôm nay

09/10/2011

Già, nghèo, yếu và ế
 Dân số: Ba nỗi lo

Câu chuyện cô gái biến thành bà già ở Bến Tre mới đây có thể là một ngụ ngôn thú vị về nguy cơ già hoá dân số với tốc độ chóng mặt của Việt Nam.

Ai cũng muốn chưa già đã giàu, nhưng dân Việt Nam lại đang trong tình trạng chưa giàu đã già. Việt Nam chỉ mất 15-20 năm để chuyển từ cơ cấu dân số vàng sang cơ cấu dân số già – một tốc độ nhanh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Không những già lại còn nhiều bệnh tật.

Những chỉ số thống kê cho thấy số thời gian chống chọi với bệnh tật của người già ở Việt Nam nhiều hơn so với người già các nước trong khu vực. Già, nghèo và bệnh tật, những nỗi lo lớn nhất của một đời người bây giờ đang trở thành vấn đề nan giải tầm bình diện quốc gia. Đó là một sự trì kéo, một sức ép về an sinh xã hội đối với Việt Nam- đất nước phát triển dựa vào lực lượng dân số trẻ.

Thêm một nguy cơ nữa: vào những năm 2020 hàng triệu thanh niên Việt Nam có nguy cơ ế vợ. …Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh này nghiêm trọng nhất ở nhóm kinh tế khá giả.

Ở đây, độ lệch giữa hai giới tính đã thể hiện độ lệch trong quan niệm của nhiều bậc làm cha mẹ. Với nhiều người Việt Nam tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn đậm đặc, cộng với khả năng tiếp cận công nghệ lựa chọn giới tính đã khiến tỷ lệ bé trai chào đời ngày một cao hơn so với bé gái - một thực tế trái với quy luật cân bằng của tự nhiên. Điều này dẫn rất nhiều hệ luỵ như hàng triệu nam giới có thể không lấy được vợ, phá vỡ cấu trúc gia đình, tình trạng mại dâm, buôn bán phụ nữ, bạo lực giới.

Nguy cơ tăng dân số nhanh vẫn chưa được giải quyết, bây giờ lại đối mặt với nỗi lo già hoá dân số và mất cân bằng giới tính. Nhưng vẫn chưa đáng báo động bằng câu chuyện chất lượng dân số của Việt Nam đang ở mức rất thấp.

Theo Tổng cục Dân số, chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt nước ta trước nguy cơ tụt hậu xa hơn. Chỉ số phát triển con người đang từng bước được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và thấp xa so với nước có trình độ công nghiệp phát triển trung bình.

Thể lực người Việt Nam còn rất thấp so với yêu cầu. Ngay cả ở lứa tuổi sung sức như vị thành niên, thành niên thì sức bền, độ dẻo dai cơ bắp còn yếu so với nhiều nước.

Những vấn đề khổng lồ ấy chắc chắn nằm ngoài tầm giải quyết của Tổng cục DS-KHHGĐ. Dân số không chỉ là những con số thống kê, hay nói cách khác dân số là con số cộng của những số phận người rất cụ thể. Mỗi số phận không những chứa một phần lịch sử mà còn in dấu ấn của những quyết sách mang tầm quốc gia.

Quyết sách giải quyết vấn đề dân số (cao hơn nữa là vấn đề con người) hiện nay, phải tác động để tạo ra sự thay đổi tích cực tới từng số phận, chứ không chỉ dừng lại ở những lời hô hào, những giải pháp chung chung. Bởi vì nếu con số cộng của những người vừa già, vừa nghèo, vừa bệnh tật, vừa thấp bé ở Việt Nam ngày một tăng lên thì những mục tiêu lớn và nhân văn của phát triển như: “dân giàu nước mạnh”, “cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020” liệu có đạt được?

Phùng Nguyên