Chính quyền quân nhân Miến Điện trước đây được cho là độc tài, đàn áp đối lập và là một trong những nước kiểm duyệt báo chí gắt gao nhất thế giới. Thế nhưng chính quyền dân sự mới đây của họ đã có những bước tiến mạnh mẽ. Khi đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone do bị dư luận trong nước cực kỳ phản đối, chính phủ đương nhiệm tại Miến Điện đã tiến thêm một bước về phía phương Tây và phong trào đối lập trong nước. Mới đây Ông Tint Swe, Cục trưởng Cục Đăng ký và Giám sát Báo chí của Miến Điện hôm 7/10/2011 tuyên bố với Đài Á châu Tự do rằng các phương tiện truyền thông Miến Điện cần được tự do, thậm chí ông còn đề nghị đóng cửa cơ quan kiểm duyệt.
Ông Tint Swe tuyên bố : “ Kiểm duyệt báo chí không tồn tại ở phần lớn các nước khác, cũng như ở các nước láng giềng, và nó cũng không hợp với những tập quán dân chủ. Trong tương lai gần, cần phải bãi bỏ kiểm duyệt”. Như chính tổng thống Thein Sein khi loan báo việc đình chỉ dự án Myitsone, là để “tôn trọng ý muốn của người dân”. Thật là chí lí.
Một nhà nước XHCN ưu việt như VN lẽ nào chịu thua nhà nước quân phiệt Miến Điện? Khi nào chính quyền VN mới có hành động tương tự như vậy với dự án Bôxit ở Tây Nguyên và việc kiểm duyệt báo chí ...?
VM
Tổng thống Miến Điện Thein Sein (trái), nâng cốc cùng chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Bắc Kinh, ngày 27/05/ 2011.
REUTERS/David Gray
Trọng Nghĩa
Khi đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone do bị dư luận trong nước cực kỳ phản đối, chính phủ quyền đương nhiệm tại Miến Điện đã tiến thêm một bước về phía phương Tây và phong trào đối lập trong nước. Tuy nhiên, quyết định này có nguy cơ làm phật ý Trung Quốc, đồng minh truyền thống của chế độ quân sự Miến Điện. Đây là điều mà chính quyền Naypyidaw đang tìm cách đối phó.
Ngay sau khi Tổng thống Miến Điện Thein Sein loan báo quyết định đình chỉ công trình xây dựng con đập thủy điện khổng lồ Myitsone do tập đoàn Trung Quốc CPI thực hiện, với nguồn điện làm ra sẽ chủ yếu được bán cho Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã không tránh khỏi bất bình. Trung Quốc đã lập tức kêu gọi Miến Điện phải bảo đảm quyền lợi của các công ty Trung Quốc trong lúc lãnh đạo tập đoàn CPI đe dọa là quyết định đình hoãn này sẽ tạo ra một loạt “vấn đề” pháp lý cho chính quyền Naypyidaw.
Phải nói là phản ứng của Bắc Kinh không ngoài dự đoán của tân chính phủ dân sự tại Miến Điện, và chính quyền Naypyidaw sẽ cử phó tổng thống Tin Aung Myint Oo qua Trung Quốc ngay trong tuần tới đây để tìm cách giảm bớt căng thẳng. Trên danh nghĩa, phó tổng thống Miến Điện đến Bắc Kinh tham dự lễ khai mạc một sự kiện thương mại Trung Quốc-ASEAN, nhưng trong thực tế, ông sẽ phải giải thích quyết định đình hoãn công trình thủy điện Myitsone.
Theo các nhà phân tích, dẫu sao thì tân tổng thống Thein Sein và chính quyền mới tại Miến Điện cũng đã khẳng định rõ rệt ý muốn thoát dần ra khỏi vòng kềm tỏa của Trung Quốc, vốn đè nặng trên nước này từ hàng chục năm nay. Theo các nhà phân tích được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, thì ngoài việc tỏ dấu hiệu thiện chí đối với xã hội dân sự và phong trào đối lập Miến Điện, vốn đòi hỏi chính quyền hủy bỏ công trình bị cho là rất tai hại này, giới lãnh đạo Miến Điện cũng muốn xích lại gần với Hoa Kỳ và phương Tây nói chung.
Ông Renaud Egreteau, chuyên gia về Miến Điện tại Đại học Hồng Kông, đã gắn liền tuyên bố của chính tổng thống Thein Sein khi loan báo việc đình chỉ dự án Myitsone, là để “tôn trọng ý muốn của người dân”, với một trong những yêu cầu manh mẽ của phương Tây đối với chính quyền Miến Điện : Đó là lắng nghe nguyện vọng của người dân đã phải sống dưới ách của quân đội trong hơn nửa thế kỷ qua.
Chuyên gia Gareth Price, thuộc Viện Chatham House tại Anh Quốc, thì lồng quyết định đình chỉ công trình thủy điện gây tranh cãi của Trung Quốc vào trong một loạt những động thái cởi mở của tân chính quyền dân sự Miến Điện trong vài tháng gần đây. Theo ông, Miến Điện đang mở cửa về phía phương Tây và họ “nghĩ rằng sẽ có thêm bạn mới, trong lúc các biện pháp trừng phạt sẽ được bãi bỏ”.
Đối với ông Sean Turnell, chuyên gia về Miến Điện tại Đại học Macquarie ở Sydney, bản đồ địa chính trị tại vùng Đông Á có thể thay đổi nếu Miến Điện đẩy mạnh chiều hướng cởi mở. Theo chuyên gia này, Miến Điện đang “cố gắng thoát ra khỏi tình trạng bị cái bóng của Trung Quốc đè nặng”.
Đây không phải là một công việc đơn giản vì theo ông Sean Turnell, Bắc Kinh “đã quen với việc giới lãnh đạo tại Miến Điện răm rắp phục tùng, và cho phép Trung Quốc gần như là tự do khai thác nguồn năng lượng và quặng mỏ tại Miến Điện”.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, một nhân vật lãnh đạo tại Miến Điện đã công nhận : “Chúng tôi đã nghe nói rằng chính phủ Trung Quốc rất tức giận”. Thế nhưng quan chức này tỏ ý tin tưởng : “Chính phủ của chúng tôi có phương cách giảm bớt căng thẳng bằng cách đàm phán với họ”.
Theo giới quan sát, những tháng sắp tới đây sẽ cho thấy là quyết định đình chỉ công trình xây đập thủy điện Myitsone có bị đảo ngược hay không. Bên cạnh đó, còn có một loạt đề án to lớn khác của Trung Quốc tại Miến Điện cũng bị người dân cực kỳ chống đối, chẳng hạn như đường ống dẫn dầu khí từ bờ biển phía tây Miến Điện về đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Số phận các đề án này sẽ cho thấy rõ hơn về ý hướng muốn giành lại độc lập tự chủ từ tay Trung Quốc của tân chính quyền Miến Điện.