Dạo này mình hay bị thất vọng.
Hôm nay cũng vậy, sau một chuỗi dài bức xúc xung quanh sự kiện xuất hiện băng cướp “thường phục” cướp nón, giật nón…của mấy người yêu Nước đi dạo ven Hồ Gươm, mình định viết đôi lời về thân phận những chiếc nón lá Việt Nam, như một sự giải tỏa. Nhìn quanh thì thấy Bọ ta đã có bài “Cái nón tội gì?”, nghĩ ôi may quá, viết chi cho mệt, khỏi viết cũng có cái đọc. Bọ viết hay gấp vạn.
Ai dè mới vài câu Bọ đã định danh cho nhóm những người biểu tình ấy là rỗi việc “…tụ tập không ra tụ tập, biểu tình không ra biểu tình, không biểu thị được cái gì mà còn hệ lụy đến sinh mạng chính trị, chẳng hay ho gì. Đã đành là “nhớ nhau gặp nhau nói chuyện cho đỡ nhớ thôi” nhưng tại sao không chọn cách khác để gặp nhau, cứ phải ra Bờ Hồ?”
Xin hỏi thẳng Bọ, ở đâu là nơi tốt nhất để họ gặp nhau?
Họ từng vào quán cà phê, một loại “bán công cộng” để gặp gỡ trao đổi thì vây xung quanh là cảnh phục, thường phục với đủ kiểu nhăn nhở, sầm sì…
Họ tổ chức nói chuyện về biển đảo, trao đổi thông tin về chủ quyền biển đảo thì ai đó bày trò cúp điện, quấy rối.
Trước đó, họ biểu tình có chủ đề, có băng cờ (cờ đỏ sao vàng), khẩu hiệu, đi thành đoàn…thì bị biến thành “tụ tập” như thể đám tội phạm, đánh đồng với lũ choai choai nhuộm tóc đua xe, sau đó là bóp cổ, là dồn lên xe buýt đi đổ như đổ rác tận ngoại ô, là đạp vào mặt bốn phát liền. Đó là biểu tình 100%. Nhưng họ có được để yên mà “biểu thị một cái gì” của Bọ?
“Cái gì” cần biểu thị thì vẫn còn nguyên đấy, ấy là lòng yêu nước, là sự căm phẫn trước phường bá đạo, lũ hải tặc. Vậy thì, cái gì vẫn cứ là cái ấy, không suy suyển, dù người đi có nén tiếng hô “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” thì ánh mắt của họ vẫn như ném từng bó lửa về phía tòa nhà hỗn danh là “dinh thái thú”, mà lâu nay dân thường cũng tránh đến gần, như thể có bảng “Coi chừng chó dữ” treo đâu đó xung quanh.
Họ đi trong im lặng. Sự im lặng của họ nhiều khi còn vang dội hơn mọi tiếng hô, lũ kia còn sợ hơn, hoảng hốt hơn trước sự lặng im của họ.
Họ không còn cầm cờ, không còn choàng lá cờ đỏ sao vàng lên vai nữa, từ sâu thẳm họ cảm thấy như bị phản bội. Họ tìm đến chiếc nón lá.
Những chiếc nón lá, vầng trăng dịu hiền bao đời nay che chở mưa nắng cho người Việt. Chiếc nón thân thuộc đã là một biểu tượng Việt, hình ảnh Việt trong lòng bạn bè quốc tế. Và trong lòng những đứa con khi nhớ về khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của mẹ thân thương thường hiện ra dưới vành nón ấy sau những buổi làm đồng. Từ tay mẹ, nón còn là ngọn gió mát ru ta giấc ngủ trưa nồng la lả cánh cò chớp trắng như nón trắng. Chiếc nón hiền hòa ấy cùng mẹ ta sương nắng nuôi ta lớn khôn, để những người cha yên lòng đi lên biên giới chống kẻ thù phương Bắc.
…À ơi... nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Những chiếc nón đảm đang, cũng còn là những chiếc nón anh hùng. Nếu có thể, xin hãy phong danh hiệu anh hùng cho những vành nón Việt.
Những người biểu tình yêu nước đã gửi tiếng nói vào những chiếc nón, đội nó lên đâu mà “tụ tập” bên Hồ Gươm. Ôi Hồ Gươm, vào cái thời mà “Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê/ Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ”, thời con rùa lên ngôi Cụ và nhiều kẻ Cụ lại so vai rụt cổ như rùa. Những chiếc nón ấy sẽ hiện ra ở đâu, nếu không phải quanh Hồ Gươm, nơi tụ khí ngàn năm của Dân tộc?
Riêng chuyện này thì Bọ đúng:
“…Vẫn biết người ta sợ biểu tình chống TQ có thể làm hỏng chế độ. Nhưng không lẽ để bảo vệ chế độ thì cần phải tịch thu, xé nát tất cả những gì biểu thị lòng yêu nước?”
Có “chống người biểu tình” tức là có người biểu tình, có biểu tình chứ Bọ?
Cần nói thêm rằng:
Xé nát cái nón mỏng manh thì có thể, nhưng liệu có xé được lòng yêu nước, một thứ thiêng liêng, máu thịt của người Việt, nhưng gần gũi, như không khí, như mưa, như nắng? Họ có xé được cả những bài thơ tình trong chiếc nón ấy không?
Họ có thể mặc thường phục khi xúc phạm đến “vật thiêng” của người Việt là những chiếc nón kẻ "HS-TS-VN", nhưng xé xong thì nón nào che nổi cái đuôi sam vừa ngất ngưởng mọc trên đầu?
Theo dong Blog
1 nhận xét:
Chiếc nón lá thân quen với người Việt Nam như bờ tre gốc rạ. Nón lá để che mưa che nắng, là quạt mát lúc trưa hè oi ả, là cái ly đựng đầy nước mát, để các cô gái dấu mình trước ánh mắt và lời chọc ghẹo của các chàng trai. Suốt cả chiều dài lịch sử, cái nón lá là hình ảnh, biểu trưng của phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Xúc phạm nón lá là xúc phạm phụ nữ VN, là xúc phạm dân tộc Việt, tâm hồn Việt.
Đăng nhận xét